Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh vẫn tiếp tục phản ảnh nơi Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B, một sự sống cứu độ được tóm gọn trong chính câu đáp ca của ngày hôm nay: "Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con".
Thật vậy, con người tạo vật không thể nào có thể tự cứu độ mình, như chủ trương "tự độ" của Phật giáo, mà là một ân huệ từ trời cao, được gọi là "ơn cứu rỗi", một "ơn cứu rỗi" hoàn toàn xuất phát bởi "lòng từ bi" của Thiên Chúa, Đấng ngay sau nguyên tội đã tự động hứa cứu rỗi con người (xem Khởi Nguyên 3:15).
"Ơn cứu rỗi" này, sau khi được Thiên Chúa hứa ban cho chung loài người sau nguyên tội, Ngài còn bắt đầu thực hiện trong giòng lịch sử của nhân loại nói chung và lịch sử cứu độ của dân Do Thái nói riêng, bằng cách tuyển chọn họ như một giòng dõi đặc biệt để từ đó xuất hiện một Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô Con của Ngài.
Thế rồi, trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái, Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này đã liên tục tỏ mình ra cho họ bằng đủ mọi dấu kỳ sự lạ ngay trước mắt họ để giúp họ mỗi ngày một tin vào Ngài hơn, tin vào Vị Thiên Chúa thủy chung của họ, ở chỗ một khi đã hứa là Ngài sẽ hoàn thành đúng như lời Ngài hứa, bất chấp bản chất vừa mù quáng đầy yếu hèn lại cứng lòng luôn bất trung thất tín của họ với giao ước của Ngài, đến độ đã có 2 lần Ngài muốn ra tay tiêu diệt họ (xem Xuất Hành 32:10; Dân Số 14:12).
Ngài đã quả thực "tỏ lòng từ bi" với họ khi nhẫn nại với họ, bằng cách tiếp tục sai đến với họ chẳng những các vị cứu tinh dân tộc như thời Quan Án, sau khi họ đã vào Đất Hứa và trước thời Các Vua, mà còn cả các vị ngôn sứ của Ngài để nhắc nhở họ về giao ước của Ngài, nhờ đó cảnh giác lối sống bất xứng của họ và kêu gọi họ trở về với Ngài, và vì thế các vị ngôn sứ này thường trở thành nạn nhân bị dân chúng khủng bố tấn công, như trường hợp của Tiên Tri Amos trong bài đọc 1 hôm nay, vị tiên tri bị xua đuổi vì dám nói sự thật chống lại Jeroboam là vua của Israel bấy giờ:
"Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bethel thân cận với Vua Jeroboam - biệt chú của người viết) nói cùng Amos rằng: 'Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bethel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc'. Amos trả lời cùng Amasia rằng: 'Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò chuyên đi hái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta'".
Chính Chúa Giêsu,đang khi còn tại thế, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, cũng đã từng "gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi". Ở Phúc Âm Thánh ký Mathêu (10:1,5) khi sai các tông đồ đi thì không nói là đi "từng hai người"; Phúc Âm của Thánh ký Luca (9:1-2) cũng không nói đến sự kiện "từng hai người" trong trường hợp các tông đồ được sai đi này, mà chỉ trong trường hợp 72 môn đệ được sai đi thôi (10:1), nên sau khi Chúa Kitô Phục Sinh mới xẩy ra sự kiện 2 môn đệ cùng nhau đi về làng Emmau được vị Thánh ký này thuật lại (xem Luca 24:13).
Sở dĩ "các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân", như câu kết của bài Phúc Âm thuật lại cho thấy, nghĩa là hoàn thành một cách rất tốt đẹp, là vì những lý do sau đây:
1- Thành phần tông đồ thừa sai này đã được "Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế", một thứ quyềnchỉ có Con Thiên Chúa mới có và trao ban: "Con Thiên Chúa tỏ mình ra là để hủy diệt các công việc của ma quỉ" (1Gioan 3:8) - các vị tông đồ thừa sai thi hành quyền trừ quỉ này là dấu cho thấy "Vương quốc của Thiên Chúa đã gần đến" (Mathêu 10:7) rồi vậy;
2- Các vị ra đi với một tấm lòng hoàn toàn tin tưởng vào thần linh hơn là vào những phương tiện vật chất: "đi đường, không mang gì, ngoài cây gậy ("cây gậy" ở đây dường như ám chỉ đến quyền chủ chiên chăn dắt sau này của các tông đồ và của các vị thừa kế trong vai trò giáo hoàng và giám mục - suy diễn của người viết), không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép (chứ không đi chân đất, cho dù bên Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thì klhông đi dép, nhưng theo chi tiết đi dép ở Phúc Âm Thánh Marcô ở đây dường như ám chỉ đến tinh thần siêu thoát của thành phần thừa sai truyền giáo hoàn toàn không dính bén một sự gì trên thế gian này, cho dù là bụi đất chăng nữa, là những gì nếu cần thì phủi bụi bỏ lại - suy diễn của người viết), và đừng mặc hai áo";
3- Các vị chấp nhận tất cả những gì xẩy ra cho các vị, dù bất lợi, bởi thành công hay thất bại của các vị là ở chỗ các vị có chu toàn sứ vụ của mình đúng với ý muốn của Đấng đã sai các vị hay chăng, chứ không phải là chỗ các vị được thế gian khen hay chê, do đó các vị vẫn bình an trong Chúa, không chịu trách nhiệm về những ai không chấp nhận các vị, mà hoàn toàn để Đấng đã sai các vị đi xét xử họ: "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ".
Trước "lòng từ bi Chúa" được liên lỉ tỏ ra qua lịch sử cứu độ của dân Do Thái trong Cựu Ước, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), hay "trong thời gian viên mãn" được nhắc đến trong bài đọc 2 hôm nay, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, cũng ở trong bài đọc 2, đã không thể nào cầm mình mà không than lên với Kitô hữu giáo đoàn Êphêsô những cảm nhận thần linh đầy đức tin và lòng mến yêu tri ân cảm tạ sâu xa của ngài như sau:
"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Đức Kitô".
Bài đáp ca hôm nay đã cho thấy những gì đã được chất chứa trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XV thế này:
1- "Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi": nghĩa là lúc nào Chúa cũng muốn cứu độ con người: "ơn cứu độ Chúa gần đến", muốn con người được bình an vui sống: "Người sẽ phán bảo về sự bình an", chỉ cần con người tỏ lòng "tôn sợ" Ngài thì sẽ được thấy "vinh quang của Chúa".
2- "Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống": Đúng thế, "ơn cứu rỗi" xuất phát từ "lòng nhân hậu" và từ "đức công minh" của Thiên Chúa như "từ trời nhìn xuống", nhưng phải được "lòng trung thành" của con người như "từ mặt đất" đón nhận và đáp ứng, nhờ đó mới xẩy ra một cuộc "gặp gỡ nhau" và "hôn nhau âu yếm".
3- "Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người": Phải, chính vì Thiên Chúa là Đấng "công minh" đầy từ bi thương xót, Đấng thấu suốt được tất cả bản chất yếu hèn và tội lỗi của con người, thành phần tạo vật không thể nào tự cứu được mình, mà Ngài đã tỏ mình ra cho họ bằng việc ra tay ban "ơn cứu độ" cho họ: "đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người".